Lê Hoàng: 'Cảnh nóng' ngày xưa là lẫn hạt bí, lạc rang và thuốc lá Sông Cầu
Đã vậy còn hôn khi sắp lên đường ra trận chứ không hề hôn trước khi cưới, cho nên hôn cũng rất hùng tráng, chả hề say mê một cách riêng tư…
“Cảnh nóng” Hà Nội có một đặc điểm vô cùng nổi bật, duy nhất trên thế giới, đó là nóng pha lẫn thức ăn, pha lẫn hạt bí, lạc rang, táo xanh, bưởi chua và thuốc lá Sông Cầu
Lê Hoàng, một kẻ dốt nát và chủ quan có đưa ra vài suy nghĩ của mình về cảnh nóng. Theo ngu ý của hắn, cảnh nóng không nên khuyến khích, nhưng cũng không quá đáng sợ đến mức khiến chúng ta tê liệt hoặc mất ăn mất ngủ, sau đó quay sang nghi kỵ lẫn nhau.
Vậy cách đây mấy chục năm, xã hội “nóng” kiểu gì? Xin thưa: Chả kiểu gì hết. Nguội ngắt. Vào cuối thập niên 70, đúng lúc tên Lê Hoàng xấu xa vừa lớn lên, sự nóng không hề tồn tại ở đâu, trừ các ngày hè. Mùa hè Hà Nội hồi đó nóng ghê lắm. Mà chả ai biết cái máy lạnh là gì, chưa hề nghe đến, chưa hề nhìn thấy chứ đừng nói tới sử dụng.
Do vậy, cảnh nóng đầu tiên là những cảnh nóng trong gia đình mà trẻ con được tận mắt chứng kiến. Đó là ông bố thường mặc mỗi quần đùi, ngồi đâu cũng quạt phành phạch. Chị gái hay bà mẹ thì mặc quần đen, áo trắng mỏng và cũng quạt phành phạch. Vừa quạt vừa kéo ống quần và một chút áo lên.
Những gia đình có quạt máy, mà thường chỉ có một cây, trẻ con rất hay phải chứng kiến cảnh “đồi truỵ” này: Bà chị vừa đi đâu về, vứt xe đạp xuống là lao tới, gí sát thân mình vào quạt, sau đó kéo áo lên ở mức cùng lắm là ngang bụng, để gió thổi vào trong. Nóng như vậy là nóng tới chảy mỡ còn đâu!
Nếu vào các chiều tối, có việc ra Bờ Hồ, sẽ nhiều khả năng chứng kiến nhiều màn “sex tập thể”. Đó là vô số thiên hạ trải chiếu nằm ngồi la liệt, mang theo quạt nan, ống quần kéo lên ngang đùi, vạt áo kéo lên tuỳ đức độ, hy vọng hóng chút gió của cụ Rùa. Đối tượng để hy vọng hóng là các cô thiếu nữ thì vô cùng kém phấn đấu. Cô nào cũng mặc quần đen trùm tới gót chân, không những đen kịt mà còn rộng thùng thình, khiến cho vòng ba… mất tích. Áo sơ mi cũng rộng luôn, và dĩ nhiên cài kín cổ do đó vòng một cũng chả tồn tại trên đời. Loại con gái hư hỏng tới cao trào là loại mặc áo sơ mi cổ tròn, được gọi là không cổ, nhưng lại cài khuy bấm “tách” thế là kín như bưng, đừng anh nào suy nghĩ tiếp.
Tôi thề không nói phét, có lẽ phải suốt mười năm, trong đời thực, chàng trai trẻ xấu xa nhưng có vài khát vọng thầm kín, mơ hồ, Lê Hoàng chỉ nhìn thấy khuỷu tay các bạn nữ trong lớp là tột bậc khi các bạn mặc áo ngắn tay. Ngoài ra thì dùng trí tưởng tượng. Ai chả biết, khi tưởng tượng không có cái nền hiện thực, nó xa lạ tới đâu. Cho nên để hiểu “nóng” ra sao, chỉ còn trong chờ phim ảnh. Phim ảnh thời đó 99% là phim Nga. Dân tộc Nga, tức Liên Xô hồi ấy, nổi tiếng anh hùng khi chiến thắng Phát xít, do vậy 99% là phim chiến đấu.
Đã chiến đấu thì nóng nhất là cảnh quân ta xông lên, quân địch ngã xuống chứ chả có cơ chi “lộ hàng”. Do vậy, cảnh nóng nhất của phim hồi ấy là cảnh hôn nhau. 99% khi hôn họ đứng hoặc ngồi chứ không hề có nằm. Đã vậy còn hôn khi sắp lên đường ra trận chứ không hề hôn trước khi cưới, cho nên hôn cũng rất hùng tráng, chả hề say mê một cách riêng tư. Xem những cảnh hôn ấy chỉ muốn cầm súng, không muốn nắm tay thiếu nữ chút nào. Ngay từ hồi ấy, đã có một số thanh niên, vì một lý do bí hiểm, sự bí hiểm được giữ kín cho tới tận bây giờ, có cơ hội được xem phim thì không thể cắt nghĩa được tại sao những cảnh hôn nhau trong phim lại dài hơn. Những chàng trai đó cũng vênh vang cho tới tận bây giờ.
Mãi tới gần thập niên 80, khi Lê Hoàng vào học trong trường Điện Ảnh hắn mới đủ tư cách xem một số phim “chọn lọc” dành cho người có “chuyên môn”, các phim ấy không được chiếu ra ngoài. Nổi tiếng nhất trong số đó là “Bảy nốt tàn nhang” của Cộng hoà dân chủ Đức, trong đó có cảnh đôi nam nữ yêu nhau cùng tắm không quần áo. Ối chà chà, đấy là một sự đồi truỵ quá kinh khiếp khiến toàn thể sinh viên Trường Sân khấu Điện ảnh xôn xao, đứa nào đã từng được xem thì mặt vác lên trời coi như ta đã trưởng thành tột bậc và hư hỏng tột bực. Nếu phim ấy được chiếu rạp hôm nay, chắc chắn chả ma nào xem vì cảnh tắm vĩ đại ấy chỉ có vài phút, còn lại, phim chán vô cùng.
Tuy nhiên “cảnh nóng” trong đời vẫn có.
Để xem được những "cảnh nóng" trong đời hãy ra Bờ Hồ để xem "truyền hình trực tiếp" với nhiều nam thanh nữ tú kéo nhau ra đấy ngồi sát vào nhau (ảnh minh họa)
Đó là vào các buổi tối đặc biệt là tối không có sáng trăng bởi vì đèn đường hồi ấy luôn luôn mờ ảo, bà con cứ việc tới đường Thanh niên hoặc Công viên Thống Nhất, những nơi đó tuyệt vời ở chỗ có cây cối um tùm, hoặc không um tùm thì xù xì, nếu chưa đủ xù xì thì chênh vênh dựa vào cột đèn. Nam thanh nữ tú kéo nhau ra đấy ngồi sát vào nhau. Ai cũng như ai, ngồi quay lưng vào phố và quay mặt về phía hồ. Mà tất cả các hồ ở Thủ đô, như chúng ta đã biết, đều không có loại cá hay loại tôm nào từ dưới nước ngóc lên nhìn vào bờ cả, hoặc có ngóc và nhìn thì cũng chẳng tiết lộ cái gì.
Do đó những cảnh nóng diễn ra, có thể nóng hầm hập ở phía chính diện nếu từ mặt nước nhìn vào, nhưng lại âm ỉ hoặc lạnh toát ở phía sau hoặc hai bên, hầu như chẳng có ai chứng kiến được, kể cả công an và dân phòng. Trừ một bọn vô cùng nham hiểm, kẻ thù của mọi thứ tình yêu, đó là đám bán lạc rang, táo và bưởi (hồi đó kẹo cao su là thứ sang trọng, tượng trưng cho đế quốc sài lang, không phổ biến như bây giờ).
Bọn hàng rong gian ác đó cứ nhè các đôi đang quay mặt ra hồ và đang nóng bỏng nhất, nóng đến bốc khói càng tốt là mò tới gạ mua các món ăn. Chả biết những thứ ấy có ngon không và chả biết có rẻ không, nhưng sạch chắc chắn là không, vì táo hầu như chưa rửa còn bưởi cũng bóc bằng tay không rửa nốt. Nhưng lúc đấy chẳng nam nữ nào còn tâm trạng nghĩ tới vệ sinh, đành phải mua và ăn hoặc vứt đi thật nhanh để chúng nó xéo ra khỏi bờ cõi.
Cho nên “cảnh nóng” Hà Nội có một đặc điểm vô cùng nổi bật, duy nhất trên thế giới, đó là nóng pha lẫn thức ăn, pha lẫn hạt bí, lạc rang, táo xanh, bưởi chua và thuốc lá Sông Cầu. Cũng có thể nhờ điều đó mà hồi ấy câu hát: “Tình yêu có từ nơi đâu, êm êm một khúc sông Cầu” trở nên bất hủ.
Để biết được những hình ảnh bỏng rẫy ấy không hề dễ dàng, chỉ còn một cách ra Bờ Hồ để xem “truyền hình trực tiếp”. Tuy nhiên, hồi đó người Hà Nội nói chung và người tứ xứ nói riêng nhút nhát hơn bây giờ rất nhiều, hầu như chẳng có ai dám đứng hoặc dám dừng xe để giương mắt xem mà chỉ cùng lắm là có gan đạp xe thật chậm, vừa đi vừa liếc nhìn. Liếc như thế, thật ra, rất khó quan sát được gì, vì trời luôn luôn mờ mờ, còn người đi xe thì nóng hầm hập trong mắt nên tâm trí hầu như không ghi được các hình ảnh của đứa khác. Tuy nhiên, như vậy cũng là loại gan lỳ, liều lĩnh, trơ tráo và hư hỏng lắm rồi.
Nói chung, nếu có một bảo tàng, ghi lại lịch sử tình yêu qua các thời kỳ thì chắc chắn phải có một gian ghi lại các cảnh nóng có tính tượng trưng và tiêu biểu nhất. Nếu bây giờ nhìn lại, bản thân ngày xưa hoặc bản thân các bậc sinh thành ngày xưa, chúng ta sẽ thấy những cảnh nóng trong quá khứ vừa đẹp, vừa hào hùng vừa ngây thơ lại vừa có cái gì… tội nghiệp. Tội nghiệp đến mức nghẹn ngào.
Nếu bây giờ, nhìn lại bản thân mình ngày xưa, bảo rằng trong sáng cũng được, mà bảo rằng ngớ ngẩn cũng được, nhưng Lê Hoàng tin chắc khả năng ngớ ngẩn nhiều hơn phần trong sáng. Học quay phim mà không hề học quay những cảnh “nhạy cảm”, không được giảng dạy nó một cách nghiêm túc, còn học nhiếp ảnh không hề học chụp người mẫu sống, chỉ toàn chụp phong cảnh và sinh hoạt. Hậu quả của sự trong sáng hồi đó là hễ thấy “cảnh nóng” thì toát mồ hôi, mất cả bình tĩnh, chỉ xem nó theo bản năng chứ không hề có sự phân tích, tai hại vô cùng. Lê Hoàng đã thuộc về lớp đạo diễn cũ, già, nhiều thứ chậm chạp và đặc biệt là nguội ngắt.
Không có nhận xét nào: