Tình đẹp trên đôi nạng gỗ - Câu chuyện của hai con người chưa bao giờ đầu hàng số phận
Căn nhà trọ đơn sơ nằm sâu trong một con hẻm ở Sài Gòn của gia đình anh Đạt những ngày gần đây lúc nào cũng râm ran tiếng cười nói, chỉ còn vài ngày nữa thôi, lễ cưới của anh Đạt và chị Huyền sẽ diễn ra. Thế nhưng để có được niềm vui trọn vẹn của hôm nay, cả anh Đạt và chị Huyền đều đã đấu tranh với số phận bằng tất cả nghị lực của bản thân.
Bộ ảnh cưới của anh Đạt và chị Huyền được nhóm chụp ảnh từ thiện ABOB thực hiện xem như làm món quà cưới cho anh chị.
Từng muốn chết vì nghĩ " mình sống cũng chỉ làm khổ những người thân yêu"
Lên 2 tuổi, chị Nguyễn Thị Lệ Huyền (sinh năm 1980 tại An Giang) trải qua một cơn sốt bại liệt khiến chân tay chị không thể cử động được. Thời điểm đó bố của chị bỏ nhà đi, để lại một mình mẹ của chị gồng gánh nuôi con. Thương con gái, mẹ chị Huyền cùng bà ngoại đã chạy chữa khắp nơi, nhưng cũng chỉ cứu được hai cánh tay, còn đôi chân đành chấp nhận khuyết tật.
Sóng gió lại một lần ập đến cuộc đời bất hạnh của cô gái nhỏ Lệ Huyền, năm lên 8 tuổi, mẹ cô qua đời sau một tai nạn chìm xuồng, để lại bao nỗi đau khôn xiết.
Cuộc đời của chị Huyền gặp phải nhiều sóng gió ngay từ khi còn nhỏ.
"Lúc đó gia đình chị nghèo lắm! Thương bà ngoại tuổi cao sức yếu, thương đứa cháu nhỏ tật nguyền, nên hai người dì của chị đã hi sinh không đi lấy chồng để ở nhà chăm sóc cho ngoại và chị" - chị Huyền bồi hồi nhớ lại ngày thơ ấu.
Mỗi lần đến trường, chị Huyền đều phải nhờ thầy cô, bạn bè đưa đi giúp, nhưng khi trường chuyển sang chỗ mới xa nhà hơn, việc di chuyển ngày ngày càng trở nên bất tiện, chị buộc phải nghỉ học khi chưa hoàn thành năm lớp 2.
Để không trở thành gánh nặng cho hai dì, chị Huyền lén đi bán vé số để có tiền nuôi sống bản thân. Lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má, chị tâm sự: "Chị nhớ mãi hình ảnh hai dì thồ bao gạo 50kg trên chiếc xe đạp đến từng nhà để giao cho người ta. Nhìn sự vất vả của hai dì, chị sao nỡ dùng tiền của dì. Nên dù còn nhỏ nhưng chị cũng lén đi bán vé số để phụ giúp thêm. Nhiều lúc ngồi một mình chị khóc và nghĩ đến cái chết vì nghĩ cuộc đời của mình sao đắng cay quá, mình sống cũng chỉ làm khổ những người thân yêu".
Để không trở thành gánh nặng cho các dì, chị Huyền đã sớm bước ra đời để mưu sinh.
Cuộc đời của anh Chung Chí Đạt (sinh năm 1981, tại Củ Chi) cũng nhuốm một màu trầm buồn như thế. Năm 2011 sau một tai nạn giao thông, anh mất đi chân bên trái. Gia đình vốn khó khăn, bố anh qua đời sớm, vì vậy sau khi bị tai nạn anh Đạt rơi vào tâm trạng tuyệt vọng muốn tìm đến cái chết để không làm gánh nặng cho người thân. Những tháng ngày nằm trên giường bệnh với anh thật sự là những tháng ngày đầy ám ảnh.
Anh Đạt cũng đã từng nghĩ đến cái chết để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người thân.
Phía trước là bầu trời, đừng bao giờ từ bỏ hi vọng
Chôn sâu những giọt nước mắt vào lòng, chị Huyền theo bạn bè vào TP.HCM để học nghề tại trung tâm dạy nghề dành cho người khuyết tật. Sau một thời gian chị tốt nghiệp và xin vào làm tại một công ty may mặc.
"Từ ngày chị vào trung tâm, quen biết được nhiều người bạn, thấu hiểu được hoàn cảnh của mỗi người, chị không còn ý định tìm đến cái chết nữa. Chị nhận ra rằng có rất nhiều người khuyết tật như chị, thậm chí còn khó khăn hơn chị nhưng họ đều cố gắng vươn lên, họ chưa bao giờ oán trách cuộc đời mà thay vào đó họ không ngừng hi vọng để có một ngày mai tươi đẹp hơn. Vì vậy chị phải học hỏi theo mọi người"- chị Huyền chân thành chia sẻ.
Từ ngày vào trung tâm học nghề, chị Huyền có thêm nhiều người bạn cùng cảnh ngộ và chị nhận ra mình cần phải cố gắng hơn.
Năm 2011, chị Huyền chính thức trở thành vận động viên bơi lội của đội tuyển thể thao người khuyết tật TP.HCM. Trong 5 năm thi đấu chị đã gặt hái rất nhiều huy chương vàng, huy chương bạc toàn quốc ở bộ môn bơi ếch và bơi ngửa. Chị hào hứng kể: "Đôi chân chị không hoạt động được, nhưng đôi tay chị sẽ làm việc hết công suất, khi chị bơi chị cảm tưởng như mình đang phải chiến đấu với cuộc đời vậy, phải cố gắng tiến về phía trước bằng hết khả năng". Nhờ những thành tích cao trong thi đầu mà chị Huyền có thêm một số tiền để mua xe máy. Mỗi lần đi thi đấu, được giao lưu với bạn bè, chị lại cảm thấy cuộc sống mình thú vị và tươi vui hơn rất nhiều.
Về phần anh Đạt, sau khi được sự động viên của người thân, đồng thời nhìn tấm gương khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, anh đã lấy lại được động lực để bước tiếp. Anh học nghề sửa xe và mở tiệm sửa xe tại nhà. "Một hôm nọ, có ông khách đến sửa xe, thấy anh khuyết tật nhưng chăm chỉ lao động đã ngỏ ý dạy cho anh nghề sửa quạt điện, thế là anh liền theo học để có thêm một nghề mới". Dù số tiền kiếm được không quá nhiều nhưng cũng khiến anh cảm thấy hạnh phúc với những ngày tháng mà mình đang sống.
Anh Đạt chăm chỉ làm việc để vượt lên số phận.
Khi hai ta về một nhà...
"Cuộc đời lấy đi của anh một chân, nhưng lại cho bù đắp cho anh một người vợ vô cùng tuyệt vời. Nhiều khi anh thấy mình may mắn đấy chứ" - anh Đạt cười sảng khoái.
3 năm trước anh Đạt và chị Huyền quen biết nhau nhờ một người bạn. Quý mến tính tình của chị Huyền nên anh Đạt tìm cách để làm quen chị. Chị Huyền kể rằng ngày nào anh cũng mua đồ ăn sáng đem qua cho chị, hỏi han ân cần, mỗi khi chị bệnh anh đều không quản vất vả để chăm lo cho chị. Thế rồi chị cũng xiêu lòng trước tấm chân tình của anh.
Hai anh chị quen và yêu nhau đã được 3 năm.
Nhiều lần hai anh chị ngỏ lời muốn làm đám cưới nhưng gia đình chị Huyền không cho phép. "Dì chị không cho chị lấy anh Đạt vì sợ chị khổ. Dì bảo hai đứa đều tật nguyền thì sao chăm sóc cho nhau được. Thế nhưng sau khi nhìn thấy tình cảm chân thành của hai đứa, hiện tại hai dì đã đồng ý cho chị và anh Đạt cưới nhau" - chị Huyền vui vẻ kể.
Sợ anh chị cưới nhau về sẽ khổ nên gia đình nhiều lần ngăn cấm anh chị kết hôn.
Ngày 22/5 tới đây, chị Huyền và anh Đạt sẽ chính thức nên nghĩa vợ chồng. Lễ cưới của anh chị được sự hỗ trợ từ trung tâm thể dục thể thao quận Tân Bình và rất nhiều người yêu quý nghị lực của anh chị.
Dù mai sau có ra sao thì họ cũng sẽ dìu nhau đi qua những ngày tháng trong đời.
Thế là sau rất nhiều khó khăn, giờ đây anh Đạt và chị Huyền sẽ dìu nhau bước trên con đường hạnh phúc phía trước. Ông trời lấy đi của họ đôi chân, nhưng chưa bao giờ lấy đi của họ hi vọng và niềm tin yêu cuộc sống. Trên đời vốn chẳng tồn tại những câu chuyện cổ tích, chỉ có những con người tự mình viết nên câu chuyện cổ tích cho riêng mình.
Theo Kênh 14/Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào: